Đình làng Đồng Mỹ tọa lạc tại thôn Đồng Mỹ - xã Kim Anh - huyện Kim Thành - tỉnh Hải Dương, cách trung tâm xã khoảng 1km.
Nơi đây phụng thờ 3 vị Thành Hoàng. Các vị có công hộ quốc an dân, lập thành làng Đồng Mỹ:
- Vị thứ nhất: Nguyễn Hoàng Trinh.
Mậu Dần khoa 1518, tam giáp tiến sỹ đại phu an bang đạo đẳng xứ, thanh hình hiến sát, xứ tu thần roãn, sắc tước phong vi quang húy dực bảo trung hưng, trung đẳng thần vua Khải Định 25 - 7 năm thứ 9. Hiện có bia đá 2 hộp khắc thân thế sự nghiệp, tên bố, mẹ, thầy giáo và 3 bạn đồng môn. Ngài có 1 đạo sắc phong.
- Vị thứ hai: Nguyễn Văn Đàm nguyên tướng công
Hồng thuận năm thứ 3, Đoan Khánh năm thứ 4, khoa Tân Mùi, đỗ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, sỹ chí hàn lâm viện Quang Thị Lang đông các đại học sỹ năm đầu vua: Thành thái, lũy sắc tước phong 18 - 11 - 1889. Vua Khải Định 25 - 7 - 1924, ngài có 2 đạo sắc phong, giỗ 16 tháng chạp.
- Vị thứ ba: Chiêu Tông Thành Hoàng Đế, quang thiệu năm thứ 3 nguyên tướng công Nguyễn Địch Huấn (con trai Nguyễn Văn Đàm) khoa mậu dần 1518 đỗ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, sỹ chí thị bộ, quan thượng thư đời nhà Mạc.
Cách mạng tháng 8-1945, đình chùa làng Đồng Mỹ là cơ sở cách mạng; là nơi hội họp, học tập, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Là địa điểm tập trung các lực lượng vũ trang của làng và xã Kim Quang. Đến tháng 5 - 1948 xã đổi tên thành Đại Đồng. Tháng 12- 1955, theo Quyết định của trên, xã Đại đồng đổi tên thành xã Kim Anh và cái tên Kim Anh được mang từ đó đến nay. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, Làng Đồng Mỹ là hậu cứ kháng chiến của xã, nơi đặt chỉ huy chiến đấu; lực lượng du kích xã, huyện đều tập kết trước và sau trận đánh địch. Hậu cung đình đã giấu thương binh, nhân dân đã làm hầm bí mật để nuôi giấu, bảo vệ cán bộ kháng chiến từ thôn, xã, huyện, tỉnh.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đình và cây ruối sau đình là nơi dễ quan sát các đoàn tầu hỏa tiếp viện lực lượng, lương thực vũ khí của quân Pháp từ Hải Phòng lên. Bộ đội, du kích của ta chọn đình làng Đồng Mỹ là nơi tập kết lực lượng trinh sát chặn đánh các đoàn tầu hoả của địch, góp phần ngăn chặn quân địch tạo điều kiện cho quân đội ta làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hoà bình Đông Dương được lập lại. Đêm trước ngày ngừng bắn, đình là nơi tổ chức mít tinh. Nhân dân quyết tâm không sợ địch, lá cờ đỏ sao vàng được treo lên đỉnh cây cậy. Từ đó các binh lính địch mang nhiều súng đạn ra đầu hàng về đình làng. Cán bộ nhân dân đón nhiều đợt và dẫn đưa sang hậu phương Thanh Hà giao nộp cấp trên.
Di tích lịch sử Đình làng Đồng Mỹ đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Hải Dương về khảo sát kiểm kê đưa vào danh mục bảo vệ gìn giữ lâu dài vào năm 1966 và 1984 do ông Đoàn Văn Quỳnh ký. Hiện nay còn lưu giữ 3 pho tượng cổ, 1 bia đá có nắp, 5 đạo sắc vua phong.
Qua thời thế biến đổi đình cổ không còn nữa, được sự cho phép của Sở văn hóa thông tin, nhân dân địa phương đã tôn tạo ngôi đình và khánh thành thờ phụng vào ngày 14 tháng 11 năm 1998.
Đình làng Đồng Mỹ đã được cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 19 - 12 - 2007.
Cách đình làng 50m là cây đa cổ thụ đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây đa di sản Việt Nam.